Vào thời gian đầu năm hoặc cuối năm, nhiều gia đình Việt lại chuẩn bị và tiến hành việc sang cát cho người thân đã khuất. Đây là phong tục tâm linh truyền thống có từ lâu đời trong văn hóa Việt Nam. Vậy vì sao lại có phong tục sang cát cho người chết này và bạn cần biết những gì về phong tục này? Hãy cùng Gốm Đại Việt giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết sau nhé.
Nguồn gốc của tục lệ cải táng, sang cát
Danh mục
Phong tục sang cát cho người chết hay còn được biết đến với cái tên khác là cải táng, bốc mộ. Đây là tục lệ thay mộ mới cho người đã khuất sau khi thi thể được chôn lúc mới mất phân hủy hết chỉ còn lại tro cốt.
Nguồn gốc của tục lệ cải táng, sang cátPhong tục này bắt đầu xuất hiện từ thời kỳ Bắc thuộc. Khi ấy nhiều quan lại và các thương lái người Trung Quốc sang Đại Việt làm việc và chết tại đất nước ta, mà người thân gia đình có mong muốn được đưa xương cốt về lại quê hương. Nên sau khi chôn cất một thời gian, người thân sẽ tiến hành cải táng, sang cát để lấy tro cốt đưa về quê nhà.
Tục sang cát người đã mất tại Việt Nam
Đối với người Việt sau này, sang cát cho người chết trở thành thói quen và phong tục với mong muốn lưu giữ được phần nào hình hài của người thân quá cố, đưa người quá cố đến nơi an nghỉ tốt hơn nơi vĩnh hằng. Địa chất vùng Đồng bằng Bắc Bộ nước ra chủ yếu là đất pha cát phù xa, vì vậy khi chôn thi thể người mất sẽ tiêu hết thịt, có nhiều trường hợp còn hao cả vào xương.
Ngoài ra, ở những vùng trũng, lũ lụt thường xuyên sảy ra cũng làm ảnh hưởng đến di hài người đã mất qua thời gian. Vì vậy nếu không tiến hành sang cát cho người chết thì có thể chỉ còn lại đất.
Một lý do có thể kể đến nữa là trong thời kỳ kinh tế chưa phát triển, nhiều gia đình chỉ có thể sắm cho người thân khi mất một cỗ ván tạm, bị hư hại mối mọt sau thời gian, làm ảnh hưởng đến di hài bên trong. Nên sau đó, khi đã có điều kiện hơn, họ muốn sắm một cỗ áo quan mới khang trang, đẹp bền hơn để tỏ lòng hiếu kính với người thân quá cố.
Tục sang cát cho người chết trong phong thủy
Trong phong thủy, sang cát cho người chết còn được thực hiện khi xuất hiện những dấu hiệu không tốt về mặt tâm linh như mồ mả có dấu hiệu sụt lún, cây cỏ xung quanh mộ khô héo, hoặc trong nhà tự nhiên xuất hiện những tai ương không đâu mà đến. Đây được coi là dấu hiệu ông bà tổ tiên báo rằng mình đang không thoải mái với chỗ ở hiện tại, mong được con cháu xây cất mới.
Hơn nữa nếu mộ của người thân được đặt ở những nơi có địa thế tốt, hút được nhiều sinh khí và vượng khí, cũng sẽ truyền lại nhiều may mắn, phúc lộc cho con cháu đời sau.Dù bắt nguồn từ lí do gì thì phong tục cải táng, sang cát cho người chết, đưa người đã khuất đến nơi chốn an nghỉ an toàn, sạch đẹp và phù hợp hơn cũng là hành động đẹp thể hiện tấm lòng đạo hiếu với những người đi trước cần được duy trì và truyền lại cho con cháu đời sau.
Khi nào tiến hành sang cát, bốc mộ
Theo truyền thống, công việc sang cát cho người chết sẽ được thực hiện sau khi người mất 3 năm. Đây cũng là thời điểm mãn tang trong văn hóa cổ xưa. Tuy nhiên, gần đây môi trường khí hậu và địa lý có nhiều thay đổi đã tác động đến thời gian phân hủy xác của người đã mất, thời gian có thể kéo dài khoảng 4-7 năm. Vì vậy tùy theo tình hinh đánh giá của từng gia đình, thời gian cải táng sẽ được lựa chọn phù hợp.
Ngoài ra, thời gian để sang cát còn phụ thuộc vào tuổi của người đã mất và tuổi của người đứng ra thực hiện công việc (có thể là trưởng nam, con trưởng), tuyệt đối tránh những năng xung khắc với tuổi của hai người này. Thực hiện sang cát cho người chết vào những thời gian không phù hợp sẽ mang đến nhiều điều xui rủi cho những người đang sống và con cháu sau này.
Thời gian thuận lợi nhất trong năm để tiến hành bốc mộ là từ tiết cuối thu đến tiến Đông chí, hoặc tiết Lập Xuân đến tiết Thanh Minh. Trước khi tiến hành, gia chủ nên nhờ các chuyên gia phong thủy xem để tìm được ngày tháng, giờ tốt để thực hiện. Chú ý giờ tốt nên là giờ hoàng đạo vào ban đêm, ánh sáng ban ngày có thể làm tro cốt người mất bị đen. Ngoài ra cần phải kiểm tra phong thủy khu mộ mới định bốc sang phù hợp với người đã khuất, tránh việc xung kỵ.
Không nên tiến hành sang cát khi nào?
Trước khi tiến hành sang cát cho người chết, gia chủ cần kiểm tra cẩn thận mộ phần xem đã đủ thời gian bốc mộ chưa, hay mộ đó là mộ kết hay phạm trùng không? Thời gian đủ để bốc mộ là từ 3 năm trở đi, khi mãn tang người đã khuất. Tuy nhiên nếu gặp phải mộ kết hoặc mộ phạm trùng thì thời gian tiến hành cần được thay đổi.
Theo quan niệm mộ kết là ngôi mộ thụ được Linh Khí từ Long mạch, những tụ khí này chính là phúc lộc trời bạn cho gia đình người mất có được cuộc sống thuận lợi, gặt hái nhiều hạnh phúc, thành công. Khi gặp mộ kết thì cách tốt nhất là để nguyên không di chuyển hay tác động vào. Nếu nhất định phải dịch chuyển vì nguyên nhân nào đó, gia chủ cần sự trợ giúp của những người có chuyên môn về Phong thủy và phương thức Huyền Môn.
Việc di dời mộ kết không đúng cách, làm ảnh hưởng đến long mạch, có thể gây ra rất nhiều sóng gió, khó khăn đến đời sống của con cháu về sau, nên việc này cần thực hiện một cách rất cẩn thận.
Mộ phạm trùng được biết đến nhiều nhất ở biểu hiện xác chôn thời gian nhiều năm mà không tiêu. Có nhiều khu vực và loại mộ chôn tới hàng chục năm nhưng xác như vẫn còn nguyên vẹn. Khi gặp trường hợp này thì nên dùng bột Ngải Hổ rắc vào và thực hiện chú làm tan rã thịt rồi mới thực hiện cải táng được.
Tiến hành sang cát như thế nào?
Sang cát hay bốc mộ là công việc cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tiến hành cẩn thận. Bạn có thể tham khảo quy trình tiến hành công việc như sau.
Xem ngày, giờ tiến hành sang cát
Sau thời hạn mãn tang, gia chủ có thể bắt đầu tính để lựa chọn năm tiến hành cải táng. Lựa chọn được năm phù hợp thì đi xem ngày, tháng đẹp để thực hiện.
Thời gian ở đây được tính theo lịch âm, tháng đủ 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày. Nên lựa chọn những ngày Tam hợp, Chi đức hợp, Lục hợp, Tứ kiểm hợp với tuổi được xem, tránh những ngày Lục hại, Lục hình, Lục xung. Nên chọn ngày tương sinh hay bình hòa với tuổi, tránh những ngày tương khắc. Giờ được chọn cũng cần phù hợp và vào ban đêm.
Xem vị trí đặt mộ mới
Sau khi lựa chọn được thời điểm tiến hành sang cát, gia chủ cần tìm được vị trí mới để chuyển hài cốt sang. Những khu đất này hiện nay thường là nghĩa trang gia đình hoặc xung quanh vùng mộ hung táng trước hoặc theo quy định của địa phương. Tuy vậy vẫn cần xem xét kỹ lưỡng hoặc nhờ thầy phong thủy có chuyên môn lựa chọn. Nếu vùng đất được quy định không thực sự tốt thì khi thực hiện nghi thức cải táng cần thực hiện thêm một số phép dẫn mạch khí để tạo thế tụ huyệt đem đến sinh khí cho ngôi mộ mới.
Chuẩn bị và tiến hành sang cát
Theo ngày giờ đã định, gia chủ và người thân của người mất sẽ cùng nhau tiến hành công việc sang cát cho người chết. Đây là công việc tốn nhiều công sức nên gia chủ có thể thuê, nhờ thêm một tốp thợ chuyên làm công việc này để mọi việc diễn ra được thuận lợi suôn sẻ hơn.
Chuẩn bị sang cát cho người đã mất
Trước khi bắt đầu, gia đình cần chuẩn bị lễ dâng ban thờ Gia tiên để trình báo và xin phép tổ tiên. Ngoài ra còn cần chuẩn bị lễ để dâng trình Quan thần linh sở tại. Lễ dâng Quan cần có độ đồ cho Quan (gồm áo, mũ, ủng ), ngựa cho Quan và 1000 vàng đỏ, tiền vàng đầy đủ, rượu, thuốc, trầu, cai, đèn nến và gạo muối. Nếu có điều kiện có thể chuẩn bị thêm lễ Tam sên ( gồm hột vịt luộc, miếng thịt heo luộc và nắm tôm nõn khô) và đĩa xôi, gà trống luộc…
Chuẩn bị vật dụng cần thiết là một bộ tiểu quách mới, một tấm vải đỏ, một mảnh ni lông, rượu nặng và nước Vang (nước pha gói Vang có bán sẵn ở tiệm thuốc Bắc hoặc tiệm đồ thờ cúng), xô, chậu để làm sạch xương.
Tiến hành sang cát cho người đã mất
Khi tiến hành sang cát cho người chết, người ta thường đào lấy lớp đất ở phía trên lên trước, vào đúng giờ đã định thì mới bắt đầu mở ván Thiên lên (ván Thiên là tấm ván trên nóc quan tài). Trước khi đào cần phải xác định một cách chính xác vị trí mộ cũ, vì nhiều ngôi mộ chôn lâu hoặc bị sai lệch vị trí do quá trình tu sửa. Tránh việc đào nhầm huyệt hoặc gặp khó khăn khi đào.
Sau khi ván Thiên được mở ra, đổ một lượng rượu nặng (có nồng độ cao) vào quan tài để thanh tẩy âm khí. Tiếp theo là tiến hành lấy cốt. Nếu gặp trường hợp di hài chưa tiêu hết, có thể thiêu phần thịt còn sót bằng xăng hoặc dầu hỏa, nếu cần còn phải dóc phần thịt còn sót lại bằng dao rồi đem rửa xương với nước vang. Hoàn thành làm sạch cốt, ta xếp lần lượt theo thứ tự như người nằm vào tiểu quách.
Trong tiểu quách cần trải mảnh ni lông ở dưới và vải đỏ ở trên. Phần sọ nên dùng trà hoặc vải kê cho khuôn mặt hướng lên trên. Thực hiện cẩn thận, tuyệt đối không để sót xương. Có một mẹo dân gian thường dùng để kiểm tra lại là: sau khi nhặt cốt xong, cắm bó hương lớn xuống giữa lòng đáy mộ, nếu thấy làn khói quyện tròn, bay thẳng lên trên thì là đã hết cốt, còn nếu khói tỏa xuống, lởn vởn trong lòng mộ thì chưa hết cốt, cần phải kiểm tra lại.
Kết thúc sang cát cho người đã mất
Sau cùng là đưa tiểu quách và tro cốt người đã mất sang phần huyệt mới, thực hiện nghi lễ chôn cất, cúng bái, kết thúc công việc cải táng.
Kết luận
Phong tục cải táng, bốc mộ hay sang cát cho người chết là truyền thống văn hóa tốt đẹp thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tấm lòng đạo hiếu với người đi trước của người Việt Nam cần được lưu truyền cho con cháu đời sau. Đây là công việc tâm linh phức tạp và cần được thực hiện một cách cẩn trọng. Gốm Đại Việt hi vọng với những thông tin trong bài viết này, các bạn đã có thêm kiến thức và biết cách nghi thức quan trọng này cùng gia đình một cách chu đáo.
Gốm Đại Việt, thương hiệu gốm sứ Bát Tràng uy tín, chuyên cung cấp những sản phẩm đồ thờ, đồ làm lễ, đồ phong thủy gốm sứ chất lượng cao. Nếu bạn đang có nhu cầu tìm mua vật phẩm phong thủy, hãy truy cập ngay website: https://gomdaiviet.vn/ để tham khảo sản phẩm và nhận ngay tư vấn chi tiết.